Thursday 18 April 2013

Dân IT nên viết CV như thế nào?

Dân IT nên viết CV như thế nào?


"Theo chia sẻ của anh Đại Trần, VP of Delivery - KMS Technology"

Một CV rõ ràng, khúc chiết, chuyên nghiệp nhưng thể hiện được cá tính, nêu bật được những thế mạnh của bạn trong lúc vẫn cung cấp đầy đủ thông tin về những kinh nghiệm trong quá khứ sẽ khiến bạn nổi bật trong số những ứng viên và giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ về bạn để có thể quyết định nên hay không nên sắp xếp phỏng vấn. Nếu bạn không thể viết một cái CV ra hồn để mô tả bản thân, thì rõ ràng bạn có một khiếm khuyết rất lớn, có thể đó là khả năng diễn đạt, hay hiểu biết về chính mình và ngành mình đang làm việc, hoặc không nghiêm túc trong việc xin việc hoặc đơn giản là bạn không thể làm gì ra hồn cả. Dù khiếm khuyết của bạn là gì, nhà tuyển dụng có thể sẽ gạt bạn ra một bên, hoặc may mắn lắm là họ sẽ hướng dẫn bạn làm lại CV, và lần này sẽ là cơ hội cuối cùng cho bạn.

Theo kinh nghiệm của tôi, một CV cho ngành IT nên có 6 mục sau:
1. Thông tin cá nhân:
Chỉ cần liệt kê đơn giản Tên, Năm sinh, Địa chỉ nơi ở, số điện thoại, email, có thể thêm hình thẻ. Các thông tin về giới tính, tình trạng hôn nhân, quê quán ... thực sự không cần thiết và mang tính phân biệt nên không nên đưa vào.
2. Mục tiêu nghề nghiệp (Objectives):
Nêu rõ định hướng của bạn trong con đường nghề nghiệp của mình. Định hướng này có thể được thay đổi theo thời gian, nhưng là định hướng duy nhất khi bạn tìm việc trong giai đoạn hiện tại mà không phụ thuộc vào bạn đang nộp đơn vào công ty nào. Một ví dụ cho Objectives: "Tìm được một công việc trong môi trường chuyên nghiệp, tôn trọng lẫn nhau và tận dụng được kinh nghiệm lập trình J2EE tôi đã tích lũy được trong 5 năm qua. Cơ hội làm việc trực tiếp với khách hàng bằng tiếng Anh. Ưu tiên cho những công việc có tính chất quản lý, tuy nhiên vẫn chấp nhận những công việc làm việc độc lập với tính chuyên môn kỹ thuật cao"
Chỉ nên liệt kê những mục tiêu thực sự quan trọng với bạn (ví dụ một thứ mà bạn không thể có và phải nghỉ việc hiện tại để tìm việc khác). Không nên dùng mục này để đánh bóng cá nhân, để chứng tỏ bạn có hoài bão, vì nó có thể khiến bạn bị loại nếu vị trí nhà tuyển dụng đang tìm không thể giúp bạn đạt được những mục tiêu của mình. Ví dụ một sinh viên mới ra trường, không có gì đặc biệt mà có Objective trở thành nhà quản lý dự án sau 2 năm làm việc sẽ có khả năng bị loại nhanh chóng trong giai đoạn lọc CV, vì xác suất bạn không đạt được objective này là rất cao và bạn sẽ không hài lòng với công việc.
3. Kỹ năng (Skilll sets):
Chỉ nên liệt kê những gì bạn biết và/hoặc có kinh nghiệm và nêu chính xác mức độ hiểu biết của bạn trong từng mục. Một sinh viên mới ra trường có kỹ năng C++ cấp Expert (4/5) sẽ gây sự chú ý tới nhà tuyển dụng, nhưng nếu tất cả những mục khác đều 2, 3, 4 (ví dụ Java cấp 3/5, Oracle 3/5 ...) thì nhà tuyển dụng sẽ gạt qua nguyên mục này, bởi lẽ đơn giản là mất ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trên 1 kỹ thuật nào đó để có thể đạt cấp 4/5, nên việc bạn có nhiều kỹ năng đạt cấp 3 hoặc 4 chỉ có nghĩa là bạn có hiểu biết rất hẹp về những kỹ năng này và không thể tự đánh giá. Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, chỉ nên phân loại theo thời gian làm việc với từng kỹ năng, ví dụ:
  • Level 1: Biết qua (học hoặc tự nghiên cứu)
  • Level 2: Có kinh nghiệm sử dụng thực tế dưới 6 tháng.
  • Level 3: Có kinh nghiệm sử dụng thực tế dưới 2 năm.
  • Level 4: Có kinh nghiệm sử dụng thực tế dưới 5 năm.
  • Level 5: Có kinh nghiệm sử dụng thực tế trên 5 năm.
Nên giải thích chi tiết cách phân level của bạn để nhà tuyển dụng hiểu cách bạn đánh giá và hãy trung thực với đánh giá của mình. Nếu bạn viết 1 ứng dụng Struts web application trong 1 năm, hãy liệt kê 1 năm cho JSP/Servlet/Java, 2 tháng cho Struts và 1 tháng cho MSSQL, đơn giản là vì bạn chỉ thực sự dính dáng tới Struts framework và database rất ít trong quá trình làm việc, trong khi phần lớn thời gian dành cho lập trình các trang web JSP và servlet.
Không nên liệt kê những kỹ năng không quan trọng (ví dụ MSWord, Excel đối với lập trình viên), trừ khi bạn thực sự là chuyên gia trong những kỹ năng này.
Theo kinh nghiệm của tôi, tôi đã bỏ qua không đọc tiếp phần skillsets của hơn 90% CV tôi từng đọc qua. Con số này phản ánh tình trạng chung là các ứng viên không tự đánh giá hoặc không diễn đạt được khả năng của mình.
4. Kinh nghiệm làm việc:
Nếu bạn làm việc qua nhiều công ty, nên có phần tóm tắt: liệt kê giai đoạn nào làm việc trong công ty nào, chức vụ.
Sau đó liệt kê danh sách các dự án hoặc nhóm dự án có liên quan tới nhau, theo thứ tự từ mới nhất (hiện nay) đến cũ nhất. Mỗi dự án nên có các thông tin sau:
- Mô tả dự án: Ngoài thông tin về sản phẩm phần mềm, hãy nói rõ công việc của dự án. Ví dụ: Ứng dụng quản lý bệnh viện XYZ cung cấp đầy đủ các nghiệp vụ cần thiết trong một phòng khám tư nhân ở Việt Nam. Dự án X kéo dài 5 tháng nâng cấp ứng dụng XYZ để hỗ trợ mô hình chuỗi phòng khám và chuyển từ hosting nội bộ lên Amazon EC2.
- Quy mô dự án: Để nhà tuyển dụng có thể hình dung dự án này lớn hay nhỏ, nên có thông tin này. Có thể dùng man-month hay số người+thời gian.
- Số người làm việc trên dự án.
- Nhiệm vụ cụ thể của bạn trên dự án này. Điều này rất quan trọng, vì có thể dự án rất hoành tráng nhưng công việc của bạn chỉ làm việc trên một phần nhỏ thì cũng nên nói rõ từ đầu.
- Kỹ năng bạn học được trong dự án này. Chỉ liệt kê những kỹ năng bạn thực sự sử dụng và thời gian bạn sử dụng chúng. Tránh liệt kê tất cả những kỹ thuật dụng trong sản phẩm, mặc dù bạn không hề làm việc với những phần đó (hoặc rất ít).
5. Thành tựu:
Liệt kê thành tựu cá nhân của bạn trong dự án này, ví dụ khi tham gia bạn chỉ mất 15 ngày là có thể làm việc hiệu quả trong khi thời gian trung bình cho người mới là 1 tháng, bạn đã tìm ra giải pháp tăng hiệu suất lên gấp đôi ... nói chung là những gì bạn tự hào mình đã làm được cho dự án này.
- Số người bạn quản lý khi làm việc trong dự án này.
Việc mô tả đầy đủ thông tin về dự án rất quan trọng vì nó giúp cho nhà tuyển dụng có thể hình dung ra được những gì bạn đã làm trong quá khứ, từ đó hình dung ra bạn sẽ có thể đóng góp như thế nào khi tham gia công ty của họ.
Nếu bạn làm rất nhiều dự án nhỏ, có thể nhóm lại thành một và liệt kê theo dạng bảng (với mỗi hàng là 1 dự án, mỗi cột là một mục thông tin liệt kê ở trên).
6. Các thông tin khác:
- Bằng cấp, đào tạo.
- Giải thưởng, các dự án riêng.
- Không cần thiết liệt kê các môn thể thao yêu thích hay các hoạt động xã hội bạn tham gia. Cũng như giới tính, tình trạng hôn nhân ..., hãy cho nhà tuyển dụng biết là bạn đang cung cấp cho họ chỉ những thông tin cần thiết cho công việc và việc tuyển dụng chứ không phải tất cả những gì về bạn.
Tìm việc cũng cần nhiều may mắn, nhưng cần nhiều hơn sự chuẩn bị và quan trọng hơn là một cơ hội để bạn đánh giá chi tiết lại bản thân và hoạch định cho tương lai. Chúc bạn chuẩn bị được một CV tốt và tìm được công việc thích hợp cho bạn đóng góp và phát triển nghề nghiệp.